Hội thảo Thị trường Thép Việt Nam và Công tác hoạt động Hiệp hội Thép Việt Nam năm 2021- Triển vọng năm 2022
Sáng ngày 17/01/2022, Thường trực Ban Lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo với quy mô thu gọn là các thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội, đại diện lãnh đạo tập đoàn, Tổng Công ty thép để cùng trao đổi về tình hình ngành thép và hoạt động Hiệp hội và các các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội năm 2021, phướng hướng năm 2022. Tới dự buổi Tổng kết có sự tham dự của các khách mời đại diện lãnh đạo Cục Phòng vệ Thương mại- Ông Chu Thắng Trung, đại diện Cục Xuất nhập khẩu- Bộ Công Thương, và các cán bộ, chuyên viên đến từ các Cục, Vụ của Cơ quan Nhà nước.
Toàn cảnh Hội thảo thị trường thép Việt Nam và hoạt động Hiệp hội năm 2021- Triển vọng 2022
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm vừa qua GDP Việt Nam đã giảm còn 1-2% nhưng ngành thép Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng tích cực. Thị trường trong nước bị chững lại nhưng các doanh nghiệp thép đã đẩy mạnh xuất khẩu và trở thành quốc gia xuất ròng thép, sản lượng sản xuất lớn nhất Đông Nam Á, có sự đóng góp rất lớn của Hiệp hội Thép Việt Nam và Hòa Phát cũng góp phần vào sự tăng trưởng này. Ông Trần Tuấn Dương- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thép Hòa Phát nhận định tại hội thảo.
Ông Trần Tuấn Dương- Phó Chủ tịch VSA, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát
Theo ông Nguyễn Thanh Trung- Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Công ty CP Tôn Đông Á, ngành thép Việt Nam hướng tới phát triển thép xanh trong tương lai, đáp ứng các tiêu chuẩn của EU khi thị trường này sẽ áp thuế khí thải cho các sản phẩm xuất khẩu. Việt Nam cần chuẩn bị để giữ vững và tăng thị phần xuất khẩu. Tôn Đông Á cũng sẽ nghiên cứu tìm hiểu để khi áp thuế liên quan đến môi trường vẫn có cơ hội xuất khẩu vào thị trường này. Công ty CP Tôn Đông Á sẽ chú trọng đầu tư cho sản xuất sạch.
Ông Nguyễn Thanh Trung- Phó Chủ tịch VSA, Chủ tịch Công ty CP Tôn Đông Á
Thị trường xuất khẩu các sản phẩm thép khu vực Đông Nam Á, trong đó có Indonesia là thị trường một trong những thị trường tiềm năng của thép Việt Nam, khi các mặt hàng tôn lạnh xuất khẩu của Việt Nam bị áp thuế tự vệ thương mại toàn cầu, bị kiện ra WTO và đến 2019 bị kiện chống bán phá giá. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu thép của Việt Nam cùng Hiệp hội dưới sự hỗ trợ của các Cơ quan Nhà nước (đặc biệt Cục Phòng vệ Thương mại- Bộ Công Thương) đã đệ trình thư đề nghị xem xét lại, gửi cho các bên liên quan kết quả là Chính phủ Indonesia đã rút lại kết luận điều tra là một trong những thắng lợi rất lớn của ngành thép Việt Nam trong suốt 3 năm 2019-2021, ông Vũ Văn Thanh- Phó Chủ tịch Hiệp hội, Phó TGĐ Tập đoàn Hoa Sen phát biểu.
Ông Vũ Văn Thanh- Phó Chủ tịch VSA, Phó TGĐ Tài chính Tập đoàn Hoa Sen
Làm việc tại Việt Nam đã 20 năm, Ông An Sung Gu – Phó TGĐ POSCO VN cho rằng đã rất hạnh phúc được đồng hành chứng kiến sự phát triển của ngành thép Việt Nam. Từ những năm 2000, tập đoàn POSCO đã đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD vào Việt Nam với sự giúp đỡ của Hiệp hội Thép Việt Nam và Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Cục Phòng vệ Thương mại. Tình hình ngành thép thế giới năm vừa qua rất căng thẳng, trong đó có ngành thép Việt Nam. Tập đoàn POSCO đã nhận được sự giúp đỡ của Cục PVTM, các sản phẩm thép của các cty POSCO tại Việt Nam cũng được bảo vệ quyền lợi chính đáng như các công ty của Việt Nam. POSCO mong muốn hỗ trợ sự phát triển của ngành thép Việt Nam trong tương lại.
Ông An Sung Gu- Phó TGĐ Posco Việt Nam
Về phía Cục Phòng vệ Thương mại, Phó Cục trưởng Chu Thắng Trung chúc mừng kết quả thành công to lớn của ngành thép trong năm 2021 nhờ vào sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp ngành thép vượt qua khó khăn do dịch bệnh; Sự hỗ trợ của Hiệp hội và sự đồng hành của Cơ quan Nhà nước trong đó Cục Phòng vệ Thương mại cũng đóng góp một phần nhỏ bé.
Ông Chu Thắng Trung- Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại
Triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022 sẽ tốt hơn khi Chính phủ ban hành chỉ đạo ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid 19 xuyên suốt. Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 09/01/2022 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2022. Ba trọng tâm để duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022, gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng.
Đại diện Ban Chấp hành Hiệp hội Thép Việt Nam nhiệm kỳ V (2019-2023)
Một năm đã đi qua, dù nhiều khó khăn, nhiều thách thức nhưng lại có những niềm vui, thành quả tự hào của kinh tế đất nước, trong đó có ngành thép Việt Nam. Ông Hồ Nghĩa Dũng – Chủ tịch Danh dự kiêm Cố vấn cao cấp của Hiệp hội Thép đã phát biểu tại hội thảo “20 năm trôi qua ngành thép Việt Nam đã phát triển vượt bậc, Hiệp hội Thép Việt Nam đã luôn đồng hành và phát triển cùng với ngành, trở thành một tổ chức xã hội nghề nghiệp có uy tín ở trong nước và khu vực. Hành trình phát triển 20 năm qua đã ghi nhận những thành quả, nỗ lực mà Hiệp hội Thép Việt Nam cùng các đơn vị thành viên đã tạo dựng được. Và từ nền móng vững chắc đó, chắc chắn Hiệp hội Thép vẫn sẽ luôn phát huy, làm tốt vai trò tập hợp các doanh nghiệp sản xuất thép trong một tổ chức nghề nghiệp để phối hợp tổ chức sản xuất hiệu quả; là cầu nối giữa các doanh nghiệp thép với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thép phát triển bền vững.”
Trong thời gian tới, Hiệp hội Thép Việt Nam hy vọng sẽ tổ chức Hội thảo Kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Thép Việt Nam khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.
Nguồn vsa.com.vn