Ít năm trở lại đây, từ khoá ‘chuyển đổi số‘ được các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ tại Việt Nam nhắc đến như một trào lưu.
Tuy nhiên, hoạt động chuyển đổi số ở nhiều doanh nghiệp vẫn mang tính hình thức, thiếu định hướng và kế hoạch triển khai bài bản, từ đó dẫn đến bị động, gặp rất nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát.
Phóng viên VietTimes đã trao đổi với bà Nguyễn Hương Quỳnh – CEO BambuUP – về thực trạng và những sai lầm phổ biến trong chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
– Chị đánh giá chuyển đổi số của các doanh nghiệp hiện nay có gì khác so với thời gian đầu, tính cả nhận thức, hành động và hiệu quả?
Bà Nguyễn Hương Quỳnh – CEO của BambuUP: Không ai có thể phủ nhận dịch COVID-19 chính là cú hích tạo ra sự thay đổi lớn về nhận thức và hành động của doanh nghiệp liên quan đến chuyển đổi số.
Trước đây, chuyển đổi số được nhắc đến rất nhiều, nhưng hành động thực chất lại ít, chưa có nhu cầu thực sự. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp sợ ảnh hưởng đến nhân viên, doanh thu.
Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát, hàng loạt doanh nghiệp không có các công cụ để làm việc từ xa, đảm bảo các hoạt động nên gặp rất nhiều khó khăn.
BambuUP có đánh giá về chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và chế xuất của TP.HCM và tham gia nhiều cuộc trao đổi về chuyển đổi số nên chúng tôi chia sẻ những nhận định của riêng mình.
Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm rõ được thế nào là chuyển đổi số và họ mới đang ở bước cơ bản để đi đến chuyển đổi số.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp Việt Nam ‘xây ngôi nhà số’ nhưng lại không thuê người ‘thiết kế’, tương tự như việc xây nhà cao tầng mà không cần kiến trúc sư. Đây là sai lầm mà các doanh nghiệp Việt Nam hay mắc phải. Điều này nghe tưởng chừng như nghịch lý nhưng lại là thực tế đang diễn ra hiện nay.
Bản thân doanh nghiệp Việt Nam cần tăng nhận thức rất nhiều về 2 sai lầm vừa nêu mới hy vọng chuyển đổi số thành công.
– Chị có thể phân tích rõ hơn việc doanh nghiệp “phớt lờ” kiến trúc sư số khi xây “ngôi nhà số”?
Xu hướng hiện nay là các doanh nghiệp đang có nhu cầu ở bộ phận nào thì đáp ứng trước cho bộ phận đó, có phần mềm nào hay là mua về áp dụng. Cuối cùng, các doanh nghiệp này đều vấp phải thực tế là số liệu trên phần mềm không khớp nhau và nó cũng không mang lại hiệu quả tổng thể để hỗ trợ cho mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp chuyển đổi số phải cần đến “kiến trúc sư số”, để có hình dung rõ ràng về ngôi nhà số trong tương lai, lộ trình phát triển như nào. Việc chuyển đổi số của doanh nghiệp là quá trình dài, nan giải, rất dễ nản lòng, rất dễ đổ lỗi cho nhau.
Để đến sau cùng, đa phần doanh nghiệp rất quyết tâm chuyển đổi nhưng bỏ dở quá trình chuyển đổi số, vì trong quá trình thực hiện, họ không thấy kết quả mà chi phí bỏ ra thì quá nhiều.
– Chị vừa đề cập việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện đang chuyển đổi số trên nhu cầu tự thân của họ mà không hình dung được tổng thể cái mình cần. Còn riêng đối với doanh nghiệp đã đi đúng đường, làm thế nào để có định hướng về phân chia nguồn lực, nguồn lực nào nên tự sử dụng, nguồn lực nào nên thuê ngoài?
Áp dụng chuyển đổi số đồng nghĩa với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, thay đổi mô hình kinh doanh của họ rất nhiều. Ở Việt Nam, đa phần nguồn lực nội bộ chưa sẵn sàng.
Trong quá trình làm việc với khách hàng, BambuUP và các chuyên gia chuyển đổi số nhận thấy doanh nghiệp không có chiến lược kinh doanh rõ ràng thì không nên triển khai chuyển đổi số, vì chuyển đổi số chỉ là công cụ để thực hiện chiến lược kinh doanh đã được đề ra hiệu quả hơn.
Thời điểm sau COVID-19 hiện nay cũng là lúc doanh nghiệp nên nhìn lại chiến lược kinh doanh của mình, vì so với trước đây, thị trường thay đổi rất nhiều, thêm kênh phân phối, ngay cả các kênh phân phối trước đây cũng thay đổi rất nhiều. Vậy, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp bạn có thay đổi không (?!). Điều đó cần phải nhìn nhận lại trước tiên.
Rồi sau đó, các hoạt động liên quan – kể cả chuyển đổi số – mới phát triển phù hợp theo. Chỉ khi bạn đã có những định hướng rõ ràng, thì chuyên gia tư vấn mới vẽ ra được lộ trình phù hợp với chiến lược kinh doanh đó, và phù hợp với doanh nghiệp. Họ mới tính toán và đưa ra lời khuyên về việc nên thuê ngoài hay tận dụng nguồn lực nội bộ – vốn là những yếu tố liên quan rất trực tiếp và cụ thể hóa cho từng doanh nghiệp.
– Thực tế cho thấy, khi dịch COVID-19 đi qua giai đoạn căng thẳng thì cũng là lúc nhiều doanh nghiệp không còn cảm thấy rõ ràng sức ép “chuyển đổi số hay là chết”. Các doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số rồi nhưng giờ họ đi chậm lại để ưu tiên cho các mục tiêu khác thì có thể dẫn đến những nguy cơ gì, thưa bà?
Đó là suy nghĩ sai lầm và rất nguy hiểm của doanh nghiệp, vì từ tất cả những đánh giá về thị trường đều chỉ ra thị trường đã bước sang giai đoạn mới, nếu doanh nghiệp không thay đổi thì tính phù hợp không còn. Cùng với đó, nhiều chuyên gia cho rằng COVID-19 chỉ là dấu hiệu khởi đầu và rất có thể trong tương lai gần sẽ xảy ra đợt mới.
Khi nói chuyện với doanh nghiệp, BambuUP luôn chia sẻ rằng cần chuẩn bị tâm thế nếu có một sự kiện bất khả kháng như COVID-19 xảy ra lần nữa thì doanh nghiệp có bị ảnh hưởng theo cách như đợt trước hay không. Nếu cảm thấy vẫn ổn, thì doanh nghiệp cơ bản đã có sự chuẩn bị tốt. Còn nếu sự kiện như COVID-19 xảy ra lần nữa, doanh nghiệp lại tiếp tục bị ảnh hưởng thì họ cần phải thay đổi.
Cùng với việc thị trường thị trường thay đổi, xuất hiện thêm nhiều các đối thủ mới, thì dịch bệnh luôn là rủi ro tiềm tàng. Việc doanh nghiệp cho phép mình chậm lại trong quá trình chuyển đổi số đồng nghĩa với việc đưa cho mình rủi ro lớn hơn và sẽ nhìn thấy hậu quả rõ ràng chỉ trong 6 tháng – 1 năm tới.
– Nhiều ý kiến cho rằng trên thị trường hiện nay, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) và các doanh nghiệp, tập đoàn, đặc biệt là doanh nghiệp tập đoàn công nghệ hoạt động chưa có sự gắn kết. Quan điểm của chị như thế nào?
Chị Nguyễn Hương Quỳnh: Trước đây, nguồn đổi mới sáng tạo đến từ các tập đoàn lớn thì bây giờ, xu hướng rất rõ là ĐMST đến từ các công ty khởi nghiệp và các công ty công nghệ. Đây là cấu phần không thể thiếu của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Mở rộng hơn nữa, không thể thiếu sự tham gia của các chuyên gia, ý tưởng của họ cũng là nguồn cung của ĐMST. Nguồn cầu chính là các doanh nghiệp, thông thường là các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính nhất định, sẵn sàng đưa ra các nguồn đầu tư và đưa ra bài toán, vấn đề để các Start-up giải quyết, thử thách bản thân.
Trong quá trình phối hợp đó, nếu các nhà đầu tư “bơm tiền” cho Start-up nhưng không có đầu ra, không có khách hàng, thì mối quan hệ này không thể bền vững. Nhưng nếu đầu ra cứ bình thường, không có các bài toán lớn của các doanh nghiệp lớn thì Start-up cũng không có cơ hội để phát triển, hoàn thiện giải pháp của họ.
Vì thế, chỉ khi Start-up kết hợp với các tập đoàn lớn để được tiếp cận và giải bài toán lớn thì các tập đoàn lớn tiếp tục phát triển với các giải pháp ĐMST mới, còn Start-up có cơ hội để hoàn thiện bản thân, tạo ra đóng góp lớn hơn và cũng tạo ra sự phát triển bền vững cho các công ty Start-up và các công ty công nghệ.
Ở các nước khác cũng vậy, các đề bài, đặt hàng đến từ các tập đoàn lớn, như những con sếu đầu đàn, khuấy động để các doanh nghiệp khác cảm thấy hứng thú trước những câu chuyện thành công của các tập đoàn lớn. Như trong chiến lược phát triển của Samsung, Qualcomm đều bắt đầu xây dựng hệ sinh thái sáng tạo để đồng hành.
– Đang có điều gì vướng mắc khiến doanh nghiệp, tập đoàn lớn không mấy ưu ái doanh nghiệp trong nước, thưa chị?
Ngoài những chính sách, hoạt động mang tính phong trào, cần những hành động rất cụ thể về khuyến khích và hỗ trợ từ các tập đoàn lớn để hỗ trợ các Start-up.
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn không phải không hứng thú với công ty Start-up mà do họ thích làm với các công ty nước ngoài trước khi nghĩ đến các Start-up Việt Nam. Đó là thiệt thòi rất lớn của các Start-up trong nước. Việc này rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, để thúc đẩy hơn nữa các doanh nghiệp lớn trao cơ hội cho các công ty khởi nghiệp.
Ngoài ra, trong các hệ sinh thái này, cần có thêm 1 thành phần nữa: Hệ thống chuyên gia. Thực tế, ngôn ngữ của giới kinh doanh và ngôn ngữ người làm công nghệ, startup khác nhau.
Ví dụ, ngay định nghĩa thời gian của các công ty lớn, tập đoàn lớn với start-up đã có sự khác nhau: Đơn vị tính thời gian của các tập đoàn lớn là theo tháng, theo quý, theo năm; trong khi Start-up tính thời gian theo giờ, theo ngày, theo tuần. Vì thế, đôi khi kỳ vọng của hai nhóm này trong quá trình hợp tác sẽ có sự vênh nhau
Thực tế, chúng tôi đã quan sát một doanh nghiệp có 3 tháng triển khai dự án với công ty công nghệ và công ty khởi nghiệp mà không đến kết quả, cho đến khi họ thuê 1 điều phối viên để kết nối các bên.
Cho nên trong việc phối hợp này, chúng ta cần chuyên gia, để tìm đến được ngôn ngữ chung, điều phối sự hợp tác giữa hai bên để đi đến cái đích tốt nhất.
– Chị đánh giá như thế nào về sức khỏe của các doanh nghiệp ĐMST sau dịch COVID-19, cả về số lượng và chất lượng?
Chẳng chờ đến khi có dịch COVID-19, tỷ lệ giải thể của doanh nghiệp Việt Nam hàng năm thường khoảng 20-30%. Với tác động của dịch COVID-19, lượng doanh nghiệp ĐMST còn “chết” nhiều hơn nữa.
Cũng vì thế, năm ngoái (2021), tôi tham gia Làng Nông nghiệp và Du lịch – Ẩm thực của Techfest, chúng tôi tuyển Start-up rất khó. Năm 2021, bắt đầu vực lại dần. Cho đến cuối năm ngoái, khi dịch COVID-19 tạm lắng, tỷ lệ vốn rót vào Start-up Việt Nam đạt mức kỷ lục. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST “rời đường đua” sau dịch COVID-19 vào khoảng 50%.
– Xin cảm ơn chị!
Nguồn https://viettimes.vn/