Ngày 27/6, các thương hiệu thép lớn đồng loạt điều chỉnh giảm giá thép xây dựng 150.000-300.000 đồng/tấn. Hiện, giá thép xây dựng đang dao động 16,3-17,2 triệu đồng/tấn. Đây là đợt giảm thứ 4 liên tiếp kể từ đầu tháng 6 và đợt thứ 7 liên tiếp kể từ ngày 11/5, số liệu của Steel Online.
Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát miền Bắc được điều chỉnh giảm lần lượt 150.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 16,5 triệu đồng/tấn và 16,8 triệu đồng/tấn.
(Nguồn: Steel Online)
Tại miền Nam, Hòa Phát điều chỉnh giảm hai loại thép trên lần lượt là 50.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn, xuống còn 16,6 triệu đồng/tấn và 16,8 triệu đồng/tấn.
Còn tại miền Trung, Hòa Phát giữ nguyên giá bán thép cuộn CB240 ở mức 16,5 triệu đồng/tấn và giảm 200.000 đồng/tấn với thép D10 CB300 xuống còn 16,8 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thương hiệu thép Việt Đức cũng giảm lần lượt 150.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn với hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, còn 16,3 triệu đồng/tấn và 16,7 triệu đồng/tấn.
Thép Kyoei cũng giảm 200.000 đồng/tấn với thép CB240 và và 210.000 đồng/tấn với thép D10 CB300, lần lượt còn 16,2 triệu đồng/tấn và 16,6 triệu đồng/tấn.
Còn thép miền Nam đồng loạt giảm 200.000 đồng/tấn với hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, xuống còn 16,7 triệu đồng/tấn và 17,2 triệu đồng/tấn.
(Nguồn: Steel Online)
Ở thị trường thế giới, giá thép giao tháng 10 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 59 nhân dân tệ lên mức 4.285 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h (giờ Việt Nam).
Nguyên nhân là dịch COVID-19 khiến các hoạt động kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, bất động sản ở Trung Quốc chậm lại, ngành thép rơi vào tình trạng cung vượt cầu, theo CNBC.
Theo Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc, trong tháng 5 sản lượng sản phẩm thép thô và thép thành phẩm tính theo ngày của Trung Quốc đã tăng 1-3%. Cung bắt đầu tăng trong khi nhu cầu vẫn giảm.
Mới đây, các nhà phân tích của S&P Global đã chỉ ra trong tháng 5, tiêu thụ thép thô của Trung Quốc đã giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Cầu nhỏ hơn cung khiến các nhà máy thép đang khá thê thảm bởi áp lực giá thép.
Tương tự, Richard Lu, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường CRU Group cho biết trong tháng 5 mức tồn kho thép của Trung Quốc cao hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái và có thể mất gần 2 tháng để giảm xuống mức tồn kho trung bình của năm năm 2021, với giả định nhu cầu thép tăng trở lại.
Còn theo quan điểm của Atilla Widnell, Giám đốc điều hành công ty phân tích thị trường Navigate Commodities, dịch COVID-19 bùng phát mạnh toàn Trung Quốc khiến bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng – lĩnh vực tiêu thụ thép nhiều nhất trở nên ảm đạm, dần mất đi vị thế của một động lực tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Theo dữ liệu mới từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy đầu tư vào bất động sản trong 5 tháng đầu năm đã giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán nhà cũng giảm 34,5%.
Nguồn Vietnambiz.vn