Tại sao giá thép giảm mạnh ngay trong mùa cao điểm xây dựng?
Theo thường lệ, giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 là cao điểm của mùa xây dựng, kéo theo nhu cầu thép tăng lên. Tuy nhiên, năm nay quy luật ấy lại đảo ngược khi trong tháng 4, bán hàng thép xây dựng giảm sâu tới 39% so với tháng 3 và giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) lý giải việc giá nguyên vật liệu giảm liên tục từ cuối tháng 3 đến nay khiến thị trường chững lại. Trong khi đó, các nhà phân phối đang tìm cách giảm lượng hàng tồn kho nên lượng hàng xuất xưởng của các nhà máy giảm nhiều so với bình thường.
Tính đến hết tháng 4, tồn kho thép xây dựng tại các nhà máy khoảng 900.000 tấn, cao gần gấp đôi với cùng kỳ năm ngoái.
Tập đoàn Hoà Phát mới đây cũng cho biết lượng bán hàng thép xây dựng trong tháng 4 đạt gần 300.000 tấn, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do lượng hàng tồn kho tại các đại lí từ tháng trước đó vẫn còn.
Hiện tại, Hoà Phát vẫn đang dẫn đầu thị phần thép xây dựng của Việt Nam với 35,9%.
Việc bán hàng trong nước chấm khiến các nhà máy đẩy mạnh việc xuất khẩu sang các thị trường.
Tuy nhiên, trong tháng 4 và nhiều tháng trước đó, nhu cầu thép tại Trung Quốc chững lại do nước này phải ứng phó với đại dịch COVID-19. Ngay cả những nhà máy thép nội địa của nước này cũng phải giảm sản lượng vì nhu cầu thấp khi nhiều công trình phải hoãn lại do lệnh phong toả.
Theo Reuters, hoạt động của các nhà máy thép Trung Quốc trong tháng 3 giảm mạnh nhất trong vòng hơn 2 năm do các công trình xây dựng đình trệ. Một số ý kiến cho rằng các nhà máy thép đã bỏ lỡ mùa xây dựng cao điểm truyền thống diễn ra hàng năm.
Cục thống kê Trung Quốc cho biết trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc đã sản xuất 336,15 triệu tấn thép, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này dẫn đến tồn kho thép tại các nhà máy của Trung Quốc còn nhiều và việc xuất khẩu thép của Việt Nam chững lại là điều dễ hiểu.
Xuất khẩu thép xây dựng của Việt Nam trong tháng 4 giảm mạnh tới 44% so với tháng 3 và chỉ tăng nhẹ gần 5% so với năm 2021.
Xuất khẩu suy yếu, tiêu thụ trong nước giảm nguyên liệu đầu vào cũng hạ nhiệt cùng lúc tạo áp lực lên giá thép trong xây dựng trong nước.
Theo số liệu của VSA, giá thép xây dựng trong tháng 5 giảm 300.000 – 500.000 đồng/tấn so với cuối tháng 4, trung bình quanh mốc 18,25 – 18,5 triệu đồng/tấn tuỳ chủng loại. Giá phôi nội địa giảm 500.000 – 800.000 đồng/tấn xuống 16,2 – 16,5 triệu đồng/tấn.
Thậm chí có thời điểm giá thép để mất mốc 18 triệu đồng/tấn xuống còn 17,8 triệu đồng/tấn. Chỉ trong vòng 3 ngày, giá thép xây dựng ghi nhận 2 lần giảm giá, theo dữ liệu từ Steel Online.
Khác với thời điểm đầu năm khi những lo ngại về đứt gãy chuỗi cung ứng và căng thẳng giữa Nga – Ukraine đẩy giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép liên tục tăng cao, thời điểm hiện tại giá cũng đã hạ nhiệt.
Điển hình như giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 9/5 giao dịch ở mức 139 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 16 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 4. Mức giá này giảm khoảng 71-73 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (210- 212 USD/tấn).
Giá phế liệu nội địa giảm 1.000 – 1.200 đồng/kg. Giá thép phế nhập khẩu cũng đã giảm 80 USD/tấn, giữ ở mức 570 USD/tấn vào cuối tháng 4 vừa qua.
Hiện tại, nguồn nguyên liệu có thể chủ động trong nước mới chỉ đáp ứng được 20 – 30% nhu cầu của các nhà máy thép. Do đó, giá thép trong nước neo khá chặt so với diễn biến của giá nguyên liệu thế giới.
Sản lượng thép xây dựng cũng ghi nhận mức giảm tới 18,19% so với tháng 3 xuống 1,14 triệu tấn.
Trước đó, CTCP Chứng khoán VNDirect lưu ý các dự án đầu tư công cũng phải đối mặt với rủi ro chậm tiến độ trong thời gian tới nếu giá vật liệu xây dựng trong nước bao gồm thép, xi măng và đá xây dựng vẫn duy trì ở mức cao như hiện nay do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Các nhà thầu xây dựng có thể chậm triển khai dự án so với kế hoạch ban đầu do giá vật liệu xây dựng tăng cao làm biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xây dựng thu hẹp đáng kể.
Do đó, tín hiệu giá thép xây dựng giảm được cho là tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản xây dựng khi mặt hàng này chiếm khoảng 20%-30% chi phí các công trình.
Trả lời phỏng vấn VTV, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản cho rằng việc giá thép xây dựng giảm giúp tăng tính khả thi cho các dự án, tránh hiện tượng các nhà thầu phải dừng vì sợ không phê duyệt được phần bù tăng.
“Việc giá thép giảm giúp thị trường xây dựng ổn định hơn, các nhà thầu có thể tiếp tục được các hợp đồng đã ký” ông Thanh cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần G-Home giá thép tăng cao sẽ tác động đến giá nhà ở xã hội. Do đó việc giá thép giảm xuống mức hợp lý, những người thu nhập thấp sẽ có cơ hội tiếp cận với nhà ở hơn.
Hồi tháng 4/2021- thời điểm giá thép xây dựng dậy sóng, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã từng gửi văn bản tới văn phòng Chính phủ kiến nghị kiểm tra mặt hàng này.
Theo đó, VACC kiến nghị văn phòng Chính phủ có những biện pháp bảo vệ các nhà thầu xây dựng Việt Nam trong nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản vì tình hình giá thép tăng đột biến một cách phi mã bắt đầu từ quý I/2021
Nguồn Vietnambiz.vn